MẸ
- Mai Trần Phương
- 27 thg 5
- 4 phút đọc

"Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình yêu thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn..." Đây là đoạn mở đầu đoản văn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh được ba tôi chép tay một năm trước khi tôi ra đời. Ba đã thuộc lòng và trao lại tập giấy cho tôi. Đến nay tôi vẫn giữ nó, trân trọng trong một chiếc hộp nhỏ, giữa muôn vàn kỉ niệm.

Những bài thơ văn, bài hát viết về mẹ nhiều không kể xiết. Nhưng không hiểu sao tôi chỉ thích mỗi tác phẩm nhỏ nhắn, giản dị này của thiền sư. Có lẽ vì nó diễn tả được một cách chân thành nhất, dễ hiểu nhất, dung dị nhất về MẸ. "Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau", "mẹ là một dòng suối", "là giáo sư dạy vẽ thương yêu-một phân khoa quan trọng nhất trong trường Đại học cuộc đời". Nên tôi cũng đặt cho bài viết của mình chỉ một chữ "Mẹ" vì trước mẹ, tôi không tìm ra bất cứ mĩ từ nào nữa để diễn tả đức hy sinh của người.
Mẹ tôi năm nay đã gần 60. Mẹ sống an vui cùng bà ngoại sau khi ông ngoại tôi qua đời. Thỉnh thoảng mẹ vẫn gặp gỡ bạn đồng niên, ngày ngày chơi với cháu và chăm chỉ tập yoga. Nhưng đó chỉ mới là thời gian sau này. Vì cách đây chừng mười năm, và trở về những ngày của tuổi đôi mươi, mẹ phải sống trong chịu đựng và không có tự do. Mẹ dở dang chuyện học hành để sinh tôi, đứa con đầu lòng hay đau ốm và khó tánh. Kí ức của tôi vẫn lưu giữ tiếng máy may của mẹ, dáng lưng còng từ sáng đến tối ngồi khâu vá. Lâu lâu để dành được ít đồng, mẹ dắt hai chị em ra quán kem. Năm học nào, chúng tôi cũng được mặc quần áo mới. Nhưng dù sao đó cũng còn là những ngày còn hạnh phúc.
Sống chung cả đại gia đình, chắc mẹ cũng chịu nhiều ấm ức. Mỗi khi Tết đến, mẹ làm quần quật cả ngày. Bà con tới lui đông đúc, chểnh mảng chuyện gì lại trút hết lên mẹ. Tôi là phận con, không có quyền cũng như không thấu nổi đại dương sâu thẳm trong lòng cha mẹ nên không dám phán xét. Nhưng tôi biết, nếu không có tình thương yêu dành cho chị em tôi, mẹ đã lao đầu vào xe tải năm nào đó rồi. Những năm đầu khi dứt áo ra đi trong tay trắng, tôi xa nhà đi học, chắc chắn mẹ nhiều đêm khóc thầm. Nhưng chưa bao giờ người than thở với tôi. Những kỉ vật ngày sống cùng ba tôi, mẹ vẫn giữ.
Người ta nói mẹ tôi hiền hậu và yếu đuối. Tôi công nhận vế trước, nhưng vế sau thì không. Còn nhớ có lần tôi thi điểm thấp, chia tay mối tình đầu đểu giả, mẹ nói với tôi rằng cuộc sống này là vậy, "có căng thẳng mới vang lên tiếng đàn". Thiếu thốn trong vật chất, tan vỡ trong tình cảm, nhưng đến giờ mẹ vẫn đứng vững đó, làm chỗ dựa tinh thần cho hai đứa con. Mẹ thanh thản khi đối diện với ba tôi và không chút hờn giận.
Căn nhà nhỏ xíu mẹ sống bây giờ tuềnh toàng nhưng ngọn gàng ngăn nắp. Hai đứa con đã lớn nên cũng chăm chút cho mẹ hơn. Mỗi lần ghé về, mẹ luôn để dành những món ăn tôi thích, tiễn tôi ra tận cửa. Nhiều lần tôi muốn đón mẹ về sống chung nhưng mẹ bảo để khi nào mẹ già cái đã. Giờ mẹ muốn có không gian riêng và bầu bạn với bà ngoại. Tôi tôn trọng điều đó. Nhưng Tết đến, khi mẹ con chở nhau đi sắm sửa đồ đạc, bà cứ lẩm bẩm: "Nhà có 4 người mà ở 4 nơi".
Mẹ hiếm khi ôm tôi, vuốt tóc lại càng không. Vậy mà khi tôi té ngã, mẹ lập tức có mặt với đôi mắt đầy lo lắng, chân run lẩy bẩy chạy theo tôi vào viện. Có mớ cá ngon để phần con, áo con rách mẹ đem về may cẩn thận, dép con dễ trợt, mẹ tìm đôi khác thay vào. Mẹ thuộc tuýp người vậy đó!
Mong năm nay và nhiều năm sau nữa, tôi vẫn được cài hoa hồng lên áo, đưa mẹ đi đó đây, nấu cho mẹ miếng cơm ngon, như một niềm sung sướng rằng: nếu mất tất cả thì mình vẫn còn MẸ trên đời này để yêu thương.
Comments